Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Michelin đã giới thiệu lốp Primacy 3 ST mới

Trong buổi lễ ra mắt, ông Tony Menard, giám đốc Maketing Michelin - dòng lốp xe du lịch và xe tải hạng nhẹ, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương chia sẻ: "chúng tôi đã lắng nghe nhu cầu và hành động dựa trên những thông tin thu thập từ phía người tiêu dùng trong suốt 10 năm tại tất cả các nước trong khu vực với điều kiện thời tiết và đường sá đặc thù. Từ thời tiết nắng nóng vào mùa hè của nước Úc cho đến độ ẩm cao vào mùa mưa của khu vực Đông Nam Á. Và để phát triển sản phẩm Primacy 3 ST, Michelin đã tiến hành các nghiên cứu sơ bộ về lốp có quãng đường hoạt động hơn 1,3 triệu km. Sau đó, các kỹ sư đã dành 18 tháng thiết kế, phát triển và tiến hành các nghiên cứu cần thiết để cho ra đời sản phẩm Primacy 3 ST tại nhà máy Michelin, Thái Lan".

Ngày 3/5, tại Khao Jai – Thái Lan, Michelin đã chính thức giới thiệu sản phẩm lốp Primacy 3 ST dành riêng cho khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Primacy 3 ST là sản phẩm cải tiến từ dòng lốp Primacy LC, một sản phẩm phổ biến tại Việt Nam dành cho phân khúc xe hạng C và D như Honda Civic, Honda Accord, BMW 3 & 5 series, Mercedes C & E Class...

Sản phẩm lốp Michelin Primacy 3 ST phù hợp với các dòng xe Honda Civic, Honda Accord, BMW 3 & 5 series, Mercedes C & E Class.

Michelin công bố sản phẩm mới Primacy 3 ST có những ưu điểm như chạy êm hơn, thoải mái hơn, an toàn và bền bỉ hơn nhờ 4 công nghệ:

Công nghệ EvenPeak giúp lốp hoạt động êm ái hơn 8% so với các sản phẩm cạnh tranh nhờ có thiết kế mã gai độc đáo (theo Michelin). Điều đó được thể hiện qua các khối gai có kích thước khác nhau giúp tiếng ồn lan toả đều với dải tần số đều nhằm giảm tiếng ồn gây ra từ lốp trong quá trình xe di chuyển. Điều đó lý giải được lý do tại sao Michelin đặt tên sản phẩm mới trong dòng lốp Primacy có tên gọi ST, viết tắt thuật ngữ: Silence Tuned (tiếng ồn được hiệu chỉnh).

Công nghệ CushionGuard mang đến sự thoải mái với các hợp chất hoạt động linh hoạt, hông lốp hấp thụ chấn động và nguyên liệu cao su có tính năng lọc tiếng ồn sinh ra do mặt đường gồ ghề.

Công nghệ Stabiligrip và FlexMax phát huy tác dụng về quãng đường phanh. So với sản phẩm cùng dòng trước đây là Primacy LC, thì Primacy 3 ST có quãng đường phanh ngắn hơn 1,6 m trên đường ướt và đối với sản phẩm cạnh tranh cùng phân khúc là 2,9 m (theo Michelin).

Ông Tony Menard, giám đốc Maketing Michelin - dòng lốp xe du lịch và xe tải hạng nhẹ,  tại khu vực châu Á Thái Bình Dương

Mặt khác, sản phẩm mới được thiết kế tạo ra diện tích tiếp xúc lớn hơn nên tuổi thọ lốp tăng 25% so với sản phẩm cùng dòng trước đây.

Michelin Primacy 3 ST hiện có các kích cỡ từ 15’’ đến 19’’ và mức giá bán vẫn tương đương với các sản phẩm cùng dòng trước đây như Primacy LC - từ 2,224 triệu đồng đến 6,252 triệu đồng đồng tuỳ theo cỡ lốp, chỉ số tải trọng và chỉ số tốc độ. Dòng lốp mới này được phân phối thông qua hệ thống Đại lý uỷ quyền của Michelin tại Việt Nam.

Honda SH Mode bán đúng giá theo đề xuất

Honda Việt Nam đã áp dụng toàn bộ các công nghệ mới về động cơ, tiện ích trên mẫu xe mới như: động cơ 125cc ePS (công suất 8,36 kW/8.500 vòng/phút, mô-men xoắn 11,7 Nm/5.000 vòng/phút), hệ thống tạm dừng động cơ khi dừng đèn đỏ (Idling Stop), hệ thống khởi động điện từ (ACG), chân chống điện, khoá yên điện, cốp điện, hệ thống phanh kết hợp CBS với cơ cấu phanh đĩa cho bánh trước và tang trống đối với bánh sau.

Mẫu xe tay ga hoàn toàn mới Honda SH Mode 125 được bán đúng giá đề xuất 49.990.000 VNĐ khi chính thức có mặt trên thị trường vào ngày hôm nay (04/06).

Đây là thông tin được đại diện của đại lý Honda Việt Nam tại số 9 Phạm Văn Đồng, 48A Liễu Giai và 216 Đội Cấn xác nhận. Tuy nhiên, tại một số cửa hàng khác do Honda ủy nhiệm ở K1 Láng Hạ, 182 Xã Đàn, mức giá bán SH Mode cao hơn 3 triệu đồng so với giá công bố.

Là mẫu xe chiến lược thứ 3 của Honda trên toàn cầu và cũng nằm trong kế hoạch xuất khẩu của Honda Việt Nam sang các thị khác trên thế giới, SH Mode 125 hướng tới đối tượng khách hàng nữ và đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Piaggio Liberty.

Được xem như phiên bản thu nhỏ của SH125i, SH Mode sở hữu kích thước 1.930mm dài, 669mm rộng, 1.105mm cao và chiều dài cơ sở 1.304mm. Chiều cao yên xe tính từ mặt đất của SH Mode là 765mm. Xe có trọng lượng 118kg, dung tích bình xăng 5,5 lít với thiết kế khay chống tràn xăng và lỗ thoát hợp lý.

SH Mode sử dụng thanh để chân sau có thể gập lại, hộc đựng đồ U-Box dung tích 18 lít, chìa khóa thông minh giúp xác định vị trí xe, ổ khóa từ đa năng, 2 công tắc mở yên và mở nắp bình xăng tích hợp vào cùng một vị trí.

SH Mode có mặt trên thị trường với 7 lựa chọn màu sắc và được bán với giá 49.990.000 VNĐ (bao gồm VAT). Mục tiêu doanh số của Honda Việt Nam là 50.000 xe mỗi năm.

9 rủi ro của công nghiệp xe ôtô Việt Nam

Theo đánh giá của nhóm công tác, Việt Nam có dân số gần 90 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên 100 triệu trong vòng 10 năm tới, tương ứng GDP đầu người là 1.300 USD và dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 4.000 USD. Cùng với đó, mật độ xe hiện nay trên 1.000 dân còn ở mức dưới 2 chiếc nên tiềm năng, cơ hội phát triển vẫn rất lớn.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội, nhóm công tác ô tô xe máy đã chỉ ra hàng loạt rủi ro cao của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tuy nhiên, nhóm công tác nhận định ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang có độ rủi ro cao bởi những thực trạng đáng lo ngại sau:

1- Ngành công nghiệp ô tô hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thực tế của Việt Nam và chưa kịp hồi phục kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2012 khi sản lượng ô tô rơi xuống 35 - 40%. Đơn cử như trong 4 tháng đầu năm 2013, doanh số bán xe toàn thị trường (gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu) chỉ đạt 30.414 chiếc, tăng không đáng kể so với con số 29.503 chiếc của cùng kỳ năm 2012.

2- Các doanh nghiệp trong ngành đang trong tình trạng dư thừa công suất ở mức cao. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của Toyota VN trong năm 2012 gần 25.000 chiếc, trong khi công suất 36.500 xe/năm/2 ca làm việc; của Ford VN gần 5.000 xe, trong khi công suất của nhà máy 14.000 xe/năm/2 ca sản xuất; của Honda 1.800 xe, khi công suất 10.000 xe/năm; của GM là 5.600 xe, công suất 20.000 xe/năm…

VBF nhận định Việt Nam là một trong những nước có mức thuế bảo hộ ô tô
cao nhất châu Á

3- Việt Nam là một trong những nước có mức thuế bảo hộ ô tô cao nhất Châu Á. Tính trung bình, giá xe tại Việt Nam thường cao từ 2 -3 lần so với xe cùng loại trên thị trường thế giới do phải chịu thuế nhập khẩu tới 80% (thậm chí thuế tuyệt đối cao hơn), thuế tiêu thụ đặc biệt 45-70%; thuế VAT 10%...

4- Số lượng các nhà cung cấp uy tín, chất lượng ít, gây khó khăn cho việc mở rộng sản xuất trong nước.

5- Chi phí kho vận ảnh hưởng đến giá linh kiện, thành phẩm, từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh so với các nước Châu Á khác có nguồn cung trong nước.

6- Chưa có quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, dẫn đến cản trở mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

7- Cách hiểu khác nhau về một số đề xuất/chính sách gây hoang mang cho doanh nghiệp. VBF dẫn chứng chủ trương hạn chế số lượng xe máy ở mức 36 triệu chiếc. Thông tin về việc hạn chế số lượng này đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và những doanh nghiệp hiện đã có mặt tại Việt Nam

8- Thiếu minh bạch trong triển khai chính sách, quy định – như các vấn đề về hải quan/nhập khẩu

9- Chưa có cơ quan giám sát số liệu tập trung về đăng ký phương tiện và các số liệu liên quan.

Cũng trong khuôn khổ VBF, nhóm công tác kiến nghị trước mắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô xuống 50% rồi xuống 0-15% theo lộ trình; bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mô tô trên 170 cc; công bố lộ trình cắt giảm thuế; áp dụng mức phí đăng ký, trước bạ thống nhất…Về trung hạn, nhóm công tác lo ngại các vấn đề về cơ sở hạ tầng, giao thông; chính sách phát triển xe sạch và đặc biệt là sự ổn định của chính sách với công nghiệp ô tô xe máy tại Việt Nam.

Honda và Yamaha – cuộc chiến xe số ở Việt Nam

Cùng thành công, cùng chia nhau miếng bánh thị trường xe số tiềm năng, nhưng có lẽ hai ông lớn Nhật Bản đã quá “cực đoan” đến mức đi vào vết xe đổ của đối phương, cùng nhau thất bại. Điển hình là trường hợp đưa hộp số vô cấp lên khung xe số. Cuối năm 2009, Yamaha ra mắt mẫu xe hoàn toàn mới Lexam với kiểu dáng xe số nhưng vận hành như xe ga, nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng sau đó vài tháng, Honda không rút kinh nghiệm từ đối thủ, thay vào đó cũng giới thiệu chiếc Wave RSX FI AT cơ cấu hoạt động giống hệt Lexam, và tất nhiên, thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Honda có lợi thế bền, tiết kiệm nhiên liệu, ngược lại Yamaha 'ăn điểm' vì thời trang, thể thao từ thiết kế đến vận hành.

Trước khi hai ông lớn Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Honda được biết đến nhiều hơn với những huyền thoại 67, Dream, Super Cub nhập khẩu. Đây là một lợi thế cho Honda bởi không phải tốn nhiều chi phí quảng cáo thương hiệu mà các sản phẩm ra mắt dễ dàng được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên Yamaha cũng không vì lý do đó mà kém thế so với người đồng hương. Chọn cách tiếp cận khác Honda, Yamaha vững vàng tuyên chiến, bắt đầu với phân khúc xe số.

Ở phân khúc xe số phổ thông, hai ông lớn gầm ghè nhau nhiều nhất ở hai serie Wave và Sirius. Đều có mặt trên thị trường hơn 10 năm với nhiều phiên bản khác nhau, số lượng xe xuất xưởng từng bước bao phủ lượng xe lưu thông trên đường. Honda Wave với các phiên bản Alpha, S, RS, RSX và Yamaha cũng không kém với Sirius R, RC, RL, RC FI. Bên cạnh đó, Yamaha Taurus ra đời năm 2008, phiên bản phát triển từ Sirius với những thay đổi ở khung sườn giúp chiếc xe thể thao hơn là đối sách để phá vỡ làn sóng “Dream chiến” nội địa giá rẻ đang lên thời điểm bấy giờ.

Honda Wave Alpha ra đời với động cơ 100 phân khối và dáng dấp không khác là mấy so với mẫu Wave 100 nhập khẩu Thái Lan nhanh chóng tiêu thụ số lượng lớn trên thị trường bởi mức giá hợp lý và chất lượng tốt. Tuy nhiên thiết kế bề ngoài của Wave Alpha không có gì đặc biệt, nhanh chóng bị lỗi thời, không hợp với giới trẻ ngày càng năng động và hiện đại. Yamaha bước vào Việt Nam và đưa ra dòng xe số Sirius đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng, trực tiếp đe dọa ngôi vương của Wave Alpha.

Sirius thiết kế thể thao, cá tính với những đường nét sắc sảo đậm chất Yamaha nhanh chóng chiếm cảm tình giới trẻ. Cùng với đó, tay ga hoạt động nhạy bén, máy “bốc” càng khiến Sirius và các dòng xe của Yamaha dần khẳng định vị trí tại thị trường xe máy Việt Nam. Với các phiên bản sau này, hoặc là tăng dung tích động cơ, hoặc là thay đổi đôi chút trong thiết kế, màu sắc, tem xe, cả hai hãng đua nhau đưa ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng nhằm tránh sự nhàm chán nhưng bản chất không thay đổi gì nhiều.

Trên một bậc, ở phân khúc xe số cao cấp, sự cạnh tranh của Honda Future và Yamaha Jupiter cũng nóng không kém. Nếu như Future từ phiên bản đầu tiên năm 1999 được ca ngợi bởi sự đầm, chắc, kiểu dáng hiện đại thì Yamaha Jupiter tiếp tục trung thành với cảm hứng thể thao từ thiết kế đến vận hành, và trung thành luôn với cách đặt tên xe theo các chòm sao (Sirius: sao Thiên Lang, Taurus: sao Kim Ngưu, Jupiter: sao Mộc).

Đương nhiên vì là dòng xe số cao cấp nên hai mẫu xe được các hãng liên tục sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như phanh đĩa, phun xăng điện tử. Năm 2008, Honda ra mắt mẫu Future Neo FI phun xăng điện tử đầu tiên trong serie. Phong phú hơn Honda, dòng Jupiter có nhiều phiên bản như Jupiter MX, RC, Gravita, FI RC, FI Gravita tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất. Việc đa dạng hóa của Yamaha là một thế mạnh khi liên tục thay đổi khiến khách hàng cảm nhận sự mới mẻ, tuy nhiên đó cũng là một yếu điểm bởi thiếu đi điểm nhấn, người tiêu dùng thậm chí không thể nhớ hết các phiên bản của Jupiter.

Thực tế với truyền thống chất lượng ổn định theo thời gian, Honda vẫn tiêu thụ số lượng xe nhỉnh hơn ở phân khúc xe số phổ thông, bởi quyết định tiêu dùng của khách hàng Việt vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý nhìn nhận và thói quen ngại thay đổi. Tuy nhiên, Yamaha vẫn có thế mạnh riêng mà Honda không thể so sánh, đó chính là dòng xe số thể thao mạnh mẽ, đại diện bởi Exciter với các phiên bản côn tay và côn tự động. Ở phân khúc này, thậm chí Honda không có đại diện nào tại thị trường Việt Nam.

Xe tay ga nhập khẩu bị thất sủng ở tại Việt Nam

Giữa năm 2012, Honda Việt Nam đã gây sốc với việc ra mắt mẫu SH “nội” với thiết kế mới, công nghệ cao và giá bán giảm gần 1 nửa so với thế hệ cũ, cũng như xe nhập khẩu. Điều đó khiến các mẫu SH nhập khẩu lao đao. Nếu mẫu SH nhập khẩu từ Italy được chào bán tại Việt Nam với giá khoảng 136 triệu đồng cho bản động cơ 125 cc và 156 triệu đồng cho bản 150 cc, thì một chiếc SH lắp ráp tại Việt Nam chỉ có giá 65,99 triệu cho bản 125i và 79,99 triệu cho bản 150i.

Những cái tên xe tay ga nhập khẩu đình đám như Honda SH, Dylan hay Vespa LX, Liberty giờ đã không còn thể hiện được vị thế cũng như đẳng cấp của chúng khi bị các sản phẩm cùng tên lắp ráp trong nước lấn át.

Xe nhập dần mất vị thế

Khoảng hơn chục năm về trước, nhắc đến xe máy tay ga ở Việt Nam là nhắc đến những mẫu xe nhập khẩu đình đám như Honda Spacy, Dylan, Vespa LX hay xa hơn là những Honda @, Piaggio X9, Yamaha Majessty và Suzuki Avenis.

Khi đó, để sở hữu một trong những chiếc xe tay ga nhập khẩu kể trên, người dùng phải chi khoản tiền từ 60 – 70 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Chiếc xe vì thế thể hiện phần nào sự giàu có cũng như đẳng cấp của chủ nhân.

Honda SH nhập khẩu từng một thời thể hiện đẳng cấp của người đi nó

Thị trường xe tay ga vào thời điểm đó có quy mô nhỏ, không có nhiều lựa chọn. Rõ ràng, với mức giá ngót nghét cả trăm triệu, đây không phải là đối tượng mà người có thu nhập trung bình có thể hướng tới. Cho đến cuối những năm 2000, những Honda Spacy, Honda SH, Vespa LX hay Liberty nhập vẫn gây “sốt” trên thị trường, dù có mức giá trên dưới 100 triệu đồng. Thậm chí, có những thời điểm, để mua được một chiếc Spacy nhập, khách hàng phải bỏ ra số tiền từ 7 – 9.000 USD (tương đương gần 200 triệu đồng).

Xe tay ga cao cấp nhập khẩu dần mất đi vị thế

Nhiều người cho rằng, xe ga nhập khẩu có nguồn gốc từ các thị trường cao cấp như Ý, Nhật... nên chất lượng cao, kiểu dáng đẹp. Đó cũng là lí do họ không ngại chi số tiền lớn để sở hữu những chiếc xe tay ga nhập khẩu.

Vài năm trở lại đây, phân khúc xe tay ga cao cấp tại Việt Nam (vốn trước đây xe nhập khẩu chiếm thế độc tôn) đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Một loạt các sản phẩm như Honda SH, Vespa LX hay Piaggio Liberty được lắp ráp trong nước. Chất lượng tương đương, kiểu dáng không khác biệt, trong khi giá thành lại thấp hơn hắn khiến xe máy “nội” dần lấn át xe tay ga nhập khẩu.

Lợi thế xe “nội”

“Xe ga cao cấp đâu chỉ là xe “ngoại”, không phải chỉ xe nhập khẩu mới tốt” – đó là tâm lý chung của phần đông người tiêu dùng khi nhiều mẫu xe ở phân khúc cao cấp lần lượt được lắp ráp trong nước. Xét một cách tổng thể, xe “nội” đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh, và có khả năng “đánh bật” những chiếc xe nhập khẩu.

Xe “nội” đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh, và có khả năng “đánh bật” những chiếc xe nhập khẩu

Xét về chất lượng, những Honda SH, Vespa LX hay Piaggio Liberty “nội” không thua kém gì các sản phẩm ngoại nhập. Từ độ bền động cơ, tiếng ồn hay vận hành. Thậm chí, các sản phẩm lắp ráp trong nước còn được cải tiến mạnh mẽ như sử dụng động cơ, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Một số chi tiết ở kiểu dáng và thiết kế cũng được thay đổi để phù hợp với người Việt, trong khi không làm ảnh hưởng đến hình thức tổng thể.

Mua xe “nội”, người dùng còn yên tâm với chế độ bảo hành, bảo dưỡng chính hãng từ nhà sản xuất. Chị Phương (Khu TT Nhà Dầu, Hà Nội) – người vừa mua một chiếc Liberty lắp ráp trong nước cho hay: “Trước kia bà chị mình cũng đã mua một chiếc Liberty nhập ở phố Huế (Hà Nội), xe đi công nhận là tốt nhưng chẳng may có hỏng thì không biết mang đến đâu sửa. Giờ Piaggio có các đại lý ở Việt Nam, bán xe lắp ráp trong nước thế là mình mua ngay một chiếc Liberty nội. Xe không khác gì xe nhập của bà chị, thấy đi còn tiết kiệm xăng hơn, mà hỏng hóc, thay dầu thì cứ đem đến trạm bảo dưỡng là yên tâm luôn”.

Lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm xe “nội” chính là giá thành. Do được lắp ráp trong nước, không phải chịu nhiều loại thuế như xe nhập khẩu, từ vận chuyển đến phân phối đều tiện lợi hơn nên giá thành của xe “nội” thấp hơn hẳn.

Nhiều người cho rằng, chất lượng xe nhập và xe máy lắp ráp trong nước giờ không khác nhau là mấy. Vì các sản phẩm xe tay ga cao cấp của Honda hay Piaggio đều là những sản phẩm toàn cầu. Chất lượng tương đương, giữ nguyên kiểu dáng, nhiều công nghệ mới được trang bị thêm trong khi giá lại rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu, những chiếc xe tay ga cao cấp “made in VietNam” đang khiến xe ga “ngoại” bị thất sủng tại thị trường Việt Nam.

Xe mới của Piaggio lộ diện trên đường thử ở Việt Nam

Tất cả các chi tiết về hãng xe và tên xe đều đã được che kín. Tuy nhiên, người đàn ông ngồi sau xe mặc bộ đồ có logo của Piaggio. Hơn nữa, xe có kiểu dáng rất giống với một số mẫu xe của Piaggio Việt Nam.

Bức hình được chụp vào sáng ngày 4/6/2013 và đăng tải trên một diễn đàn về xe máy. Nhiều người dự đoán, đây là mẫu xe chạy thử trước khi chính thức đưa ra thị trường.

Theo kích thước và chiều cao yên xe thì mẫu xe này tương đồng với mẫu Vespa hiện nay. Có ý kiến cho rằng, rất có thể đây là mẫu Vespa Granturismo 125 (GTS) 3 van ie.

Hiện, Piaggio Việt Nam chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc có giới thiệu một mẫu xe mới hay không.

Lại được mua xe ôtô bằng tiền mặt

Những quy định như giao dịch bất động sản, máy bay, tàu thủy, ôtô không được dùng tiền mặt (được đưa ra trong dự thảo trước đây) đã được bãi bỏ. Dự thảo mới chỉ yêu cầu tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán.

Các giao dịch bất động sản, máy bay, tàu thủy, ôtô có thể được dùng tiền mặt để thanh toán.

Đây là dự thảo nghị định mới nhất về thanh toán một số mặt hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Còn nhớ, Dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt được Chính phủ công bố vào tháng 1/2013 đã quy định, người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ôtô (bất kể giá trị giao dịch). Cá nhân giao dịch bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức thì cũng không được dùng tiền mặt thanh toán.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng thì quy định cấm mua ôtô, nhà bằng tiền mặt cũng đã được bãi bỏ.